Kích thước sân bóng chuyền tiêu chuẩn

kich thuoc san bong chuyen hoi 3

Bạn đang tìm hiểu kích thước sân bóng chuyền tiêu chuẩn để kẻ (vẽ) sân bóng chuyền cho trường học, cơ quan hay tổ chức cuộc thi đấu tại địa phương mình? Bạn đã tìm rất nhiều nguồn tin trên internet nhưng vẫn chưa tìm được bài viết nào tin cậy và có đầy đủ thông tin về kích thước sân bóng chuyền? Thể Thao Khỏe sẽ chia sẻ với bạn thông tin chính xác nhất về kích thước sân bóng chuyền tiêu chuẩn thi đấu

Trên thực tế, khi chơi bóng chuyền để giải trí hoặc rèn luyện sức khỏe thì chúng ta không cần thiết phải có cho mình sân bóng chuyền có kích thước đạt chuẩn. Tuy nhiên, khi tham gia tập luyện và thi đấu môn bóng chuyền chuyên nghiệp thì sân bóng chuyền có kích thước chuẩn là vô cùng quan trọng. Kích thước sân bóng chuyền chuẩn sẽ giúp trận đấu diễn ra đúng luật định, đảm bảo công bằng và dễ dàng tìm ra độ chơi chiến thắng khi thi đấu.

Xem thêm: Trụ bóng chuyền

Kích thước sân bóng chuyền bằng bao nhiêu?.

Theo quy định của Liên đoàn bóng chuyền Quốc tế (FIVB), sân thi đấu bóng chuyền tiêu chuẩn là một sân đấu có hình chữ nhật và đối xứng hai bên thông qua đường giữa sân. Kích thước sân bóng chuyền đạt tiêu chuẩn thi đấu có chiều dài 18m, chiều rộng 9m và xung quanh phải rộng ít nhất 3m về tất cả mọi phía. Kích thước sân được đo tính từ mép ngoài của đường biên này đến mép ngoài của đường biên kia.

Kich thuoc san bong chuyen
Kích thước sân bóng chuyền

Luật thi đấu bóng chuyền cũng nêu rõ, tiêu chuẩn các đường kẻ trên sân có độ rộng chính xác là 5cm và phải có màu sắc khác hẳn với màu nền sân (thường dùng màu trắng hoặc màu vàng). Một sân bóng chuyền tiêu chuẩn khi vẽ sẽ gồm có các đường kẻ sau:

– Đường giữa sân hay còn gọi đường chia đôi sân là đường giới hạn phân giữa khu vực sân của đội này với khu vực sân của đội khác.

– Đường tấn công là đường kẻ trên sân cách đường giữa sân về mỗi bên 3m. Với những sân bóng chuyền thi đấu thì đường giữa sân được kéo dài thêm từ các đường biên dọc mỗi bên 5 vạch ngắt quãng, mỗi vạch dài 15cm, cách nhau 20cm và tổng độ dài là 175cm (như hình bên trên).

– Đường biên ngang hay còn gọi là đường cuối sân có chiều rộng 9m mỗi bên sân.

– Đường biên dọc có chiều dài 18m mỗi bên và phần kéo dài biên dọc dài 15cm, cách biên ngang 20cm (như hình ở trên).

Tham khảo thêm: Kích thước sân đá cầu

Các khu vực chiến thuật trên sân bóng chuyền.

Trên đây là toàn bộ thông tin về kích thước sân bóng chuyền theo tiêu chuẩn thi đấu của Liên đoàn bóng chuyền quốc tế và các đường kẻ cơ bản của sân bóng chuyền. Trong phần tiếp theo của bài viết này, Thể Thao Khỏe xin chia sẻ với bạn quy định về các khu vực chiến thuật trên sân bóng chuyền để bạn có thể hiểu rõ hơn khi tham gia thi đấu bóng chuyền. Cụ thể, trên sân thi đấu bóng chuyền, các khu vực chiến thuật bạn cần nắm rõ gồm:

– Khu vực tấn công hay khu trước ở mỗi bên sân được giới hạn bởi đường tấn công và đường giữa sân.

– Khu vực phòng thủ hay khu sau ở mỗi bên sân được giới hạn bởi đường tấn công và đường biên ngang.

– Khu vực phát bóng được giới hạn bởi biên ngang và hai vạch kéo dài của đường biên dọc.

– Khu thay người được giới hạn bởi hai đường kéo dài của đường tấn công đến bàn thư ký.

– Khu vực tự do được tính từ các đường biên trở ra ít nhất 3m. Đối với khu tự do của các cuộc thi đấu thế giới tiêu chuẩn FIVB thì chiều rộng tối thiểu phải đạt 5m tính từ đường biên dọc và 8m tính từ đường biên ngang.

– Khu khởi động. Mỗi góc sân của khu tự do có một khu khởi động có kích thước 3 x 3m.

– Khu phạt. Mỗi bên sân của khu tự do, trên đường kéo dài của đường biên ngang và ở sau ghế ngồi của mỗi đội có một khu phạt có kích thước 1 x 1m.

– Khoảng không tự do là khoảng không gian trên khu sân đấu không có vật cản nào tính từ mặt sân trở lên ít nhất 7m.

Cách vẽ sân bóng chuyền tiêu chuẩn thi đấu.

Với kích thước sân bóng chuyền tiêu chuẩn ở trên thì bạn đã biết cách vẽ bóng chuyền để tập luyện và thi đấu chưa? Nếu chưa, hãy tham khảo hướng dẫn chi tiết dưới đây của chúng tôi nhé. Để kẻ được sân bóng chuyền thì bạn cần chuẩn bị cho mình những thứ sau đây:

– Một mặt sân phẳng có kích thước nhỏ nhất là 24 x 15m (dài x rộng). Do khoảng trống xung quanh sân ít nhất rộng 3m về tất cả mọi phía.

– Một thước dây có chiều dài 30 hoặc 50m.

– Vài cuộn băng dính dán được nền sân.

– Một xô nước vôi hoặc sơn.

– Một con lăn sơn loại bé hoặc cây chổi quét sơn loại bé.

– Tốt nhất nên có 2 người trở lên sẽ dễ làm hơn.

Sau khi đã chuẩn bị xong hết dụng cụ thì bạn đi kẻ sân bóng chuyền theo hướng dẫn chi tiết dưới đây:

– Trước hết, bạn cần xác định được trọng tâm của mặt phẳng sân, nếu mặt phẳng sân là hình chữ nhật bạn chỉ cần nối hai đường chéo của hai góc hình chữ nhật, chúng cắt nhau ở đâu đó là trọng tâm.

– Xác định trọng tâm xong, bạn sẽ dựng được đúng kích thước của sân bóng chuyền và cũng xác định được vị trí đặt cột lưới.

– Tiếp theo các bạn dùng thước đo để vẽ đường giữa sân và đường tấn công như mô hình sân bóng chuyền ở trên.

– Do độ rộng của vạch kẻ sân lên đến 5cm (khá rộng) nên bạn cần xác định được góc trong và góc ngoài của mỗi đường kẻ, dùng bút hay mực đậm để đánh dấu vị trí của từng góc. Sau đó bạn dùng băng dính, dán vào 2 mép bên của đường và dùng con lăn để lăn sơn hoặc nước vôi đẩy dọc theo.

– Cuối cùng, khi sơn đã khô bạn chỉ cần gỡ phần băng dính ra là đã hoàn thành bước vẽ sân bóng chuyền.

Vẽ sân bóng chuyền
Vẽ sân bóng chuyền

Các quy định khi thi công sân bóng chuyền.

Như vậy bạn đã biết kích thước sân bóng chuyền là bao nhiêucách vẽ sân bóng chuyền như thế nào rồi đúng không? Trong phần cuối của chủ đề về kích thước sân bóng chuyền này, THể Thao Khỏe xin chia sẻ thêm với bạn một số quy định cần lưu ý khi thi công sân bóng chuyền đã được nêu rõ trong luật thi đấu.

1. Quy định về mặt sân bóng chuyền.

Theo quy định của Liên đoàn bóng chuyền quốc tế (FIVB), mặt sân phải được làm phẳng, ngang bằng và đồng nhất. Mặt sân thường làm từ thảm cao cấp và không có bất kỳ nguy hiểm nào gây chấn thương cho người chơi. Ngoài ra, mặt sân thi đấu trong nhà phải là màu sáng, sân đấu và khu tự do phải có màu sắc khác biệt nhau (thường mặt sân màu cam và xung quanh màu xanh).

2. Quy định chiều cao lưới bóng chuyền.

Lưới bóng chuyền được căng ngang phía trên đường giữa sân và chia sân đấu thành hai phần bằng nhau. Lưới có màu đen, chiều dài từ 9.5 đến 10m và rộng 1m. Mắt lưới phải được làm hình vuông với cạnh dài 10cm, mép trên của lưới có dải băng trắng rộng 7cm và mép dưới lưới có giải băng trắng rộng 5cm. Trong luật bóng chuyền quốc tế ghi rõ, chiều cao lưới bóng chuyền cho nam là 2.43m và chiều cao lưới dành cho nữ là 2.24m. Chiều cao lưới bóng chuyền sẽ được đo ở giữa sân và hai đầu lưới ở trên đường biên dọc. Chiều cao lưới phải cao bằng nhau và không cao hơn chiều cao quy định 2cm.

Kich thuoc san bong chuyen tieu chuan

3. Quy định về trụ cột trên sân bóng chuyền.

– Trụ bóng chuyền có chiều cao 2.55m và được đặt ở ngoài sân cách đường biên dọc 1m.

– Trụ cột căng lưới bóng chuyền phải được làm tròn, nhẵn, cố định chắc xuống đất và không dùng dây cáp giữ.

4. Quy định về ăngten (cọc giới hạn).

– Cọc giới hạn cao 1.8m, đường kính 1cm và được sơn màu đỏ + trắng xen kẻ mỗi đoạn 10cm.

– Cọc ăngten được buộc thẳng đứng trên lưới (cao hơn lưới 0.8m) sao cho hình chiếu của cọc lên mặt sân là giao điểm của biên dọc và đường giữa sân.

5. Quy định về quả bóng chuyền.

– Quả bóng chuyền có hình cầu tròn và làm bằng da mềm hoặc da tổng hợp. Bên trong bóng có ruột bằng cao su hoặc chất liệu tương tự.

– Màu sắc của bóng phải đồng màu hoặc phối hợp các màu để nhìn rõ nét.

– Chu vi của bóng từ 65-67cm và trọng lượng của bóng từ 260-280 gram.

– Áp lực trong của bóng từ 0.30-0.325 kg/cm2.

– Lưu ý, mọi quả bóng dùng trong một trận đấu phải có cùng chu vi, trọng lượng, áp lực, chủng loại và màu sắc.

0 0 đánh giá
Đánh giá
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận